Liên lạc tác giả:

LÊ VĂN PHÚC


















































Theo quan niệm ngày xưa và văn minh y khoa ngày cũ - cứ tính trung bình ra thì ai sống đến tuổi 60 đã coi là thọ. Ai sống đến 70 coi là “thất thập cổ lai hy” tức là già lắm, thành người xưa rồi!







Vịn vào số tuổi 60 làm mốc chót, nhạc sĩ Y Vân mới hoảng hồn vì cuộc đởi sao ngắn ngủi quà, nổi hứng bất tử, viết bài hát rất nhộn như thế này:

“Em ơi, có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời…
20 năm đầu, sung sướng không bao lâu
20 năm sau,sầu vương cao vời vợi
20 năm cuối là bao?
Ớ là thế! đời sống không được bao
Ớ được bao năm sống mà yêu nhau
Nên khi yêu nhau thì yêu cho trọn đời
Anh ơi ! Ta sống là bao…”»

Theo dõi trên đài phát thanh và đài truyền hình, thấy cậu Hùng Cường mí lị mợ Mai Lệ Huyền lắc lư con tầu đi trong bộ quân phục hoa rừng mới thấy cuộc đời vui là thế đấy mà sao nó lại ngắn ngủi, hụt hẫng như dzậy? Thế nên phải yêu nhau ngay đi kẻo chiều hôm tối rồi! Bỏi nếu không yêu nhau liền tù tì đi, biết còn dịp nào cặp díp, tù ti được nữa ? Bởi sống chết lung linh, nay ở mai chuồn…

Giai đoạn đầu từ lọt lòng đến năm 20 là tuổi hoa niên, tuổi học trò đuổi bướm hái hoa, mơ ước xa xôi cho đời lên hương, cho tình thành mộng.







20 năm sau, với vốn liếng học đường, trang bị thi ca vũ nhạc linh tinh, ôm mộng hải hồ với những mơ ước trăng sao, những mong làm nên sự nghiệp, vi vút với đời cho đời còn chút dễ thương…

20 năm cuối, chưa nên cơm cháo gì, chưa đi dến đâu, đã thấy mình lừng khừng nhớ nhớ quên quên, bệnh nọ tật kia, lãng tai, yếu mắt, hom hem thành một ông già sắp đi trong chiều mưa biên giới!

Còn những ai được trời thương thánh độ, sống đến 70, 80 thì con cháu làm lễ thượng thọ, coi như được “bonus”!

Nhưng cũng có người suy nghĩ khác nhau, tùy theo nhân sinh quan, tùy theo đời sống, hoàn cảnh mà nhìn đời bằng cặp mắt mầu xám xịt hay bằng mầu hồng hồng sáng trong trong.

Như nhà thơ Tú Xương, hỏng thi, cảnh nhà thanh bạch nên xuân nào ông cũng chán đời và nhìn đời bằng con mắt châm biếm, hằn học. Hãy nghe ông chúc thiên hạ như thế này:

Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu
Phen này ông quyết đi buôn cối
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu… (Lẳng lặng mà nghe)

Ông chúc thiên hạ giầu đến nỗi giầu quá, “gà ăn bạc”.

Chúc sang thì mua tước mua quan. Ông đi buôn lọng, « vừa bán vừa la cũng đắt hàng ». Chúc con thì ông chúc : « Sinh 5 đẻ 7 được vuông tròn, phố phường chật hẹp, người đông đúc, bồng bế nhau lên nó ở non… »

Rồi ông kết thay lời mắng mỏ :

« Bắt chước ai, ta chúc mấy lời
Chúc cho khắp hết ở trong đời
Vua, quan, sĩ, thứ người muôn nước
Sao được cho ra cái giống người »

Qua đến nhạc thì nhạc sĩ Phạm Đình Chương tức ca sĩ Hoài Bắc có bài “Ly rượu mừng”, năm nào trên làn sóng điện cũng vang ca đón tết, chúc xuân, chúc an lành no ấm, chúc thọ, chúc đử điều hanh thông hạnh phúc.

Ông là nghệ sĩ yêu cuộc đời, yêu cuộc sống vây quanh nên ý nhạc lời thơ đầy ắp tình dân tộc, tình quân dân cá nước, tình người :

“Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Mừng thương gia lợi tức
Mừng công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó…”







Rồi nhạc sĩ chúc người chiến sĩ công thành, chúc mẹ già chờ con về trong nỗi yêu thương, chúc đôi trẻ du dương trên cành ong bướm, chúc người nghệ sĩ sáng tác mạnh, chúc non sông hoà bình, quê hương yên vui, hạnh phúc nơi nơi, thanh bình dâng lên phơi phới…

Chúc thế là chúc ai ai cũng sức khỏe mạnh mẽ, sống lâu để vui hưởng tuổi xuân, tuổi sồn sồn cũng như tuổi già êm ả…

Nhạc và lời thật vui, thật dễ thương, ai nghe cũng thấy có mình hiện diện ở đó, cũng thấy mát lòng mát ruột.

Ban AVT cụ thể hơn, tếu hơn:

“Chúc nhau mạnh mẽ, khỏe như trâu
Chúc nhau tiền bạc vào như nước
Chúc đẻ vừa xong lại có bầu…”

Với các vị lão thành thì ban AVT chúc các cụ sống lâu, xuân qua xuân lại mà các cụ “vẫn chẳng già, phú ông tuy lão mà sức như là đương trai. Hải cẩu , tam tinh, sâm nhung tì phế ông chẳng xài…”







Ngày nay, đời sống văn minh, kỹ thuật tiến bộ nên y khoa cũng thăng hoa vượt bực.

Tuổi già trung bình không ở cỡ 70-80 mà lên tới 90-100, coi là thượng thọ!

Vào tuổi này, người già coi mòi tay chân yếu ớt hơn hồi 60-70 đã đành mà mắt mũi, trí nhớ coi bộ cũng xập xệ lỉnh kỉnh!

Đấy là nói chung thì như vậy.

Còn như nói riêng thì phải kể đến trường hợp của bố tôi.







Bố tôi 100 tuổi!

Thân thế và sự nghiệp của bố tôi chỉ vỏn vẹn có mấy dòng thôi à!

Bố tôi xuất thân từ một người thợ, tay buá tay kìm, chữ nghĩa ăn đong, nhà nghèo con đông, không cờ bịch, thuốc lá, rượu chè vung vít gì cả. Thể tạng của bố tôi cũng hom hem dù một thời là cầu thủ bóng tròn Hải Dương. Có hồi bố tôi còn tham gia trong ban văn nghệ của Hội Phật Giáo, đóng kịch, phụ diễn xôm trò…

Dẫu thế, bố tôi cũng vướng vào mấy thứ bệnh như đau lưng, đau dạ dầy, ho hen cảm mạo…

Ban đêm, tôi thường phải thức dậy, ngồi đấm lưng cho bố tôi dăm chục cái làm chuẩn để bố tôi có thể nằm xuống cong lưng chờ sáng!

Rồi bố tôi chuyển vế, đổi nghề tay buá tay kìm sang nghề mới toanh là nghề làm bánh mì, một nghề mà ông cụ chưa biết mảy may gì về xây lò, pha bột, nướng bánh. Chưa nói đến ngoại giao, buôn bán với bạn hàng trong tỉnh.

Vậy mà bố tôi, sau mười năm lăn lóc với nghề đã có..3 lò bánh mì tại Hải Dương và Hanoi!

Điều đặc biệt hơn nữa là bao nhiêu bệnh của bố tôi đã trốn đâu mất tiệt!

Và, thưa bạn đọc, bố tôi vưỡn còn sống và tết này được 101 tuổi!?

Đó chính là một chủ đề tôi muốn bàn tới trong dịp đầu xuân.

Vâng, bố tôi đã 100 tuổi, hiện sống gần các con các cháu ở tỉnh Hải Dương, Việt Nam.

Ông cụ về già vẫn tập thể dục mỗi buổi sáng, đi bộ quanh sân vận động gần nhà. Ăn sáng xong, la cà rong chơi quanh lối xóm. Không lo nghĩ viễn vông, không rượu chè thuốc lá hay cờ bịch tốn tì. Mọi chuyện cứ là êm trôi như dòng sông Thái Bình trong tỉnh…

Bố tôi dạy tôi rằng: Cần nhất là đầu óc của con phải thanh thản, không hận thù, không mơ ước xa xôi mà sống với thực tế, vui với hoàn cảnh của mình để sống an bình tự tại…

Có lẽ vì thế mà bố tôi còn giữ được trí óc rất là minh mẫn, sáng suốt. Ông cụ chẳng quên một thứ gì từ hồi đi tản cư năm 1946-1947 ra hậu phương, những kỷ niệm chạy giặc qua sông, sống bên bờ đê làng Nuồi bên Gia Lộc, dến những kỷ niệm làm ăn vất vả nuôi tôi ăn học trên Hanoi.

Rồi bố tôi lại chạy cho tôi vào lính Ngự Lâm Quăn để khỏi phải đi trận Điện Biên…

Trí nhớ của bố tôi coi là siêu đẳng!

Bằng chứng điển hình là đến bi chừ, bố tôi vẫn nhắc:

- “Con gửi tiền nuôi bố 29 năm nay nên bây giờ bố vẫn còn sống, chứ mấy ông bạn bố dều chết hết cả rồi…”

Tôi “cãi” lại:

- Bố ơi! Sống chết là chuyện của Trời chứ con làm sao giữ bố sống lâu được? Con chỉ làm bổn phận một chút để bố vui với tuổi già thôi à!

Trí nhớ của bố tôi còn thể hiện qua những lời dặn dò chu đáo thế này:

- Con có gửi tiền về cho bố thì nhớ gửi đều đặn, gửi giấy trăm đổi được giá hơn là giấy nhỏ. Nếu được giấy mới nữa thì nhất rồi…

Đấy, trí nhớ của bố tôi khá đến như thế đó nha!

Mỗi năm, con cháu đều tề tựu để về Hải dương chúc tết ông cụ.

Biết bố tôi cẩn thận, trọng lễ nghi quân cách nên khi cụ 100 tuổi đã được con cháu may quần áo lụa mầu vàng, khăn đóng mầu vàng, giầy mầu vàng và làm lễ đại thọ để cụ được vinh danh. Có quay phim, chụp hình rất là đầy đủ!

Tôi thì tôi cũng thận trọng nên dặn trước các em, các cháu rằng:

- Chúng mày có đến chúc thọ ông thì phải nhớ như in điều này: Là chớ có đứa nào mà lại buột miệng nói câu: “Con chúc ông sống lâu trăm tuổi” là sẽ bị nghe ông khện lại ngay:

- “Con nhà mất dậy, chúng mày muốn ông chết sớm hay sao mà chúc ông trăm tuổi? Chúng mày có biết rằng ông sắp 101 tuổi rồi không?”

Lúc ấy, các con các cháu chỉ còn nước lạy ông tha tội cho chúng con. Chúng con trót dại, nhỡ lời, mong ông đánh chữ “lục tào xá” mà miễn thứ cho thì thực là vạn hạnh…







Mẹ tôi thì đã qua đời ở tuổi chưa đến 60.

Một trong những lỗi lầm với mẹ là thuở xua mẹ tôi con nhà nghèo, thất học nên sau này không dám đến trường vì ngượng ngùng với dám trẻ thơ nên nhờ trưởng nam ra tay cứu trợ.

Gặp ngay thằng con cà chớn, mỗi lần học đều phải hối lộ chút tiền còm thì nó mới chỉ bảo cho chu đáo. Mẹ tôi cũng phải cắn răng chịu trận chứ biết trông cậy vào ai?

Vì học phí cao như thế nên mẹ tôi dốc lòng học tập, chỉ ít lâu sau đã không phải nhờ vả gì đến thằng con cà chớn nữa.

Trưa hè, tôi thấy mẹ nằm vỏng đong đưa, ê a mấy câu trong truyện Kiều một cách bình yên, thong thả.

Bi chừ ngồi ngẩm nghĩ lại chuyện ngày xưa cà chớn của mình, không nhớ đến công lao dưỡng dục của mẹ, tôi cũng thấy ân hận trong lòng. Nhưng mẹ tôi đã ra người thiên cổ!

Tôi không có đóa hoa mầu hồng để cài lên áo đó em!

Hoa mầu trắng thì trong tôi vẫn còn nguyên hình ảnh mẹ tôi nằm võng đọc truyện Kiều…

Tôi biết trong văn chương đã có cuốn “Nhị thâp tứ hiếu”, kể chuyện 24 người con hiều đễ, yêu thương cha mẹ nên làm được những việc động trời, gọi là khó tin nhưng có thật, mà sau này không còn thêm được một hiếu tử nào nữa.

Tôi cũng biết tôi là đứa con hư hỏng, nay biết hối lỗi nên đã cam kết một điều là: Nếu có ai viết 1 cuốn truyện bằng thơ kể về những đứa con hư hỏng thì xin cho tôi được có tên trong cuốn “Nhị thập bất hiếu” để tự sỉ vả cũng như treo gương tầy liếp để cảnh giác những đứa con bần tiện, bạc bẽo giống như tôi…

Trở lại với ông bố sống lâu trăm tuổi, tôi chỉ còn biết cầu Trời khấn Phật cho bố tôi được lành mạnh, mắt mũi còn thấy lơ mơ, đầu óc thì tinh tường, vui cùng đàn con cháu.

Mới đây, bên nhà lại có cái mục mở Internet, bấm địa chỉ, qua quả cầu gọi là Webcam, có thể nhìn thấy nhau và trò chuyện với nhau ngay trên cái computer chứ không phải gọi phone hay làm gì nữa cả.

Con tôi ráp cho tôi cái quả cầu đó. Bật máy internet, bấm địa chỉ ở nhà, tôi thấy bố tôi hiện trên màn hình rõ ràng. Hai bố con nói chuyện với nhau cả nửa tiếng đồng hồ thiệt là vui vẻ, cởi mở.

Rồi các em, các cháu cũng tề tựu quanh Internet để trông thấy bác Phúc, hỏi chuyện bác Phúc ở bên Mỹ có vui không? Bác Phúc có lái xe không? Bác Phúc có nói được tiếng Mỹ không? Bác Phúc có biết nhẩy đầm không? Bác Phúc có cô bồ người Mỹ nào không? Bác Phúc có hay ăn phở không? Bác Phúc có hay đi du lịch không? Bác Phúc có hay đi Las Vegas không? Bác Phúc có v.v… và v.v….không?

Ôi thôi, chuyện dứt không ra là vậy!

Phải nói là khoa học ngày nay tiến bộ vượt bực đó nha!

Nhờ đó mà bố con tôi, họ hàng con cháu chúng tôi mới được thấy nhau, trò chuyện với nhau thoải mái.

Dịp Xuân Con Mèo này, tôi cũng phải nhớ gửi tiển về mừng tuổi bố tôi cho đúng với lễ nghi gia huấn ca và phong tục cổ truyền.

Và tôi xin chúc bố tôi như thế này:

Con kính chúc bố tăng phúc, tăng thọ, sống lâu… 150 tuổi!

Cứ chúc phòng hờ như thế là chắc ăn nhất, chứ mà lỡ mồm lỡ miệng chúc “Sống lâu 100 tuổi” e lại bị ông bố mắng vốn thì mùa xuân này còn gì là thú vị tình thâm ?....





VA, Xuân Tân Mão


















Free Web Template Provided by A Free Web Template.com
  �